“Ngày xưa có một chuyện tình”: Khi chuyện tình cổ tích đã gần “tuyệt chủng”…

0

Cập nhật vào 07/10

“Có một tình yêu dữ dội, với em, của một người yêu em hơn chính bản thân mình – là anh”. “Ngày xưa có một chuyện tình” chính là câu chuyện về tình yêu đầy trong trẻo như cổ tích như vậy.

Và nếu như những chuyện dài tình yêu khác, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn để nó kết thúc bâng khuâng, lơ lửng, thì với câu chuyện tình yêu này ông muốn nhân vật phải lớn lên, đối diện với những mâu thuẫn, bi kịch cá nhân, những bồng bột, dại khờ của tuổi trẻ và bộc lộ cá tính. Cho nên, quyển sách này với ông, ít nhiều là một thử thách…

“ngay-xua-co-mot-chuyen-tinh”

Tôi say mê điên cuồng những câu chuyện tình yêu của Nguyễn Nhật Ánh từ khi còn là một cô nữ sinh cấp 3, khi trái tim lần đầu biết rung động. Những “Mắt biếc”, “Đi qua hoa cúc”, “Còn chút gì để nhớ”…. đã đồng hành cùng suốt những năm tháng thiếu nữ đầy mâu thuẫn và suy tư trong tôi. Rồi bẵng đi tận 10 năm, tôi mới đọc lại Nguyễn Nhật Ánh và vẫn bồi hồi xúc động như gặp lại người bạn thiếu thời của mình. Hai cuốn gần nhất tôi đọc là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và “Ngày xưa có một chuyện tình”. Cả hai cuốn này, mắt tôi cay xè không biết bao nhiêu lần, và mũi thì bắt đầu nghẹt.

“Ngày xưa có một chuyện tình” xoay quanh ba nhân vật Vinh, Phúc và Miền – những đứa trẻ cùng lớn lên ở một thị trấn miền Trung. Nơi đó, chúng cùng nhau trải qua những kỷ niệm khó quên của một thời cắp sách đến trường, chia sẻ với nhau những niềm vui ngọt ngào và cả những nỗi buồn đắng ngắt. Nơi đó, tình bạn đẹp được nảy nở và trên mảnh đất màu mỡ ấy, tình yêu cũng được gieo trồng, đơm hoa, kết trái. Thế nhưng, ở “Ngày xưa có một chuyện tình”, ta còn chứng kiến thêm một nỗi buồn, một sự day dứt của trò đánh tráo số phận, khiến 3 kẻ liên đới trong một mối tình tay ba kéo dài hơn một thập kỷ phải vật lộn, phải đấu tranh với nội tâm của chính họ cho thứ tình yêu đẹp đẽ, cao thượng mà họ phụng sự.

Tôi cũng sinh ra ở một ngôi làng ven biển miền Trung quanh năm gió Lào cát trắng, vì vậy những bối cảnh trong truyện của ông bao giờ cũng vô cùng thân thuộc. Truyện của Nguyễn Nhật Ánh luôn để lại ấn tượng bởi đề tài tình yêu đầu tiên, về những đứa trẻ cùng nhau lớn lên ở một cái làng quê nghèo xa ngái đâu đó ở miền Trung. Những cậu chàng mới lớn loay hoay ôm ấp mối tình đầu tổn thương của mình, khi cô gái mình thầm yêu trộm nhớ đem lòng yêu kẻ khác, nên cứ thế ôm một mối tình đơn phương vô vọng…

“Ngày xưa có một chuyện tình” thì khác. Thay vì chọn lối kể tự sự từ một điểm nhìn thì ông chọn cách tường thuật câu chuyện từ ba điểm nhìn của ba nhân vật ở ngôi thứ nhất. Ở đó, cả 3 nhân vật sẽ được cùng thay nhau lên tiếng, giúp người đọc hiểu được tiếng lòng của họ, để không kẻ nào bị hàm oan khi được kể lại cuộc đời mình ở nhân sinh quan của kẻ khác.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bộc bạch: “Sở dĩ tôi chọn cách viết này là do lúc viết “Mắt biếc”, độc giả của tôi trách cô Hà Lan rời quê lên thành thị, bỏ rơi niềm tin của anh Ngạn. Nhưng cũng có độc giả đồng cảm với cô Lan. Mình đâu biết cô ấy nghĩ gì, tại sao lại chọn lựa như vậy. Thành thử ra, nếu mình phán xét cô Lan thì thiệt thòi cho cô ấy quá. Tôi thấy như vậy cũng có lý. Ở cuốn sách này, quả là tôi có nỗ lực thay đổi bút pháp nhưng thực thì tôi không quan trọng lắm chuyện đổi mới kỹ thuật đâu. Tôi chọn cách viết này là vì đây là cách kể duy nhất phù hợp với nội dung”.

“Ngày xưa có một chuyện tình” vẫn là thứ văn chương giản dị, gần gũi với những câu văn ngắn, gãy gọn, vẫn là cái vòng tròn mà tác giả tự vẽ và chỉ đi trong đó, đi trong thế giới của mình. Và cho dù ta đã quen thuộc, đã thuộc lòng như cháo chảy cái bối cảnh, các “thuộc tính” của nhân vật, cách hành xử của bọn họ… ta vẫn rưng rưng chào đón họ, như chào đón một người bạn cố tri lâu ngày gặp lại.

Có lẽ sau khi đã đọc, xem rất nhiều thứ phức tạp, những tiếng cười giễu nhại đô thị, những thế giới đen tối và tăm tối của con người, đọc lại Nguyễn Nhật Ánh ta như được uống lại thứ nước giếng trong veo và ngọt lịm mỗi trưa hè đi chơi ngoài nắng về. Giống như đến một độ tuổi nào đó, người ta thích có xu hướng tìm về những thứ giản dị, những thứ đẹp đẽ của khu vườn tuổi thơ, của những suy nghĩ trong lành chưa bị vẫn đục bởi những toan tính, của những cái tốt, sự cao thượng mà không cần hàm ơn.

Tôi thích cả những chiêm nghiệm của Nguyễn Nhật Ánh qua nhân vật Vinh về nỗi buồn, về sự ngắn hạn của hạnh phúc, về sự bất ổn của cuộc sống này. “...Nếu con người sống trọn một trăm năm, trừ ra cộng lại một cách chi li thì thời gian thực sự vui vẻ, bình yên, hạnh phúc chắc chỉ gói ghém trong vỏn vẹn một năm. Chín mươi chín năm còn lại được định nghĩa bằng các từ khóa: buồn khổ, toan tính, lo lắng, ưu tư và vô vàn những thứ mệt mỏi khác”.

Với “Ngày xưa có một chuyện tình”, Nguyễn Nhật Ánh không chỉ viết về một chuyện tình dang dở của những kẻ yêu nhau. Anh còn muốn dựng lại câu chuyện tình của “một thế hệ yêu nhau” đẹp như cổ tích. Đó là thứ cổ tích đã dần dần tuyệt chủng trong thời đại của chúng ta.

Bạn hãy mở sách ra, để chứng kiến làn gió tình yêu chảy qua như rải nắng trên khuôn mặt mùa đông của cô gái; nụ hôn đầu tiên ngọt mật, cái ôm đầu tiên, những giọt nước mắt và cái ôm xiết cuối cùng của tấm tình người yêu người thật đáng thèm muốn… Và bạn sẽ tìm thấy câu trả lời, cho riêng mình.

“Mục tiêu của cuộc sống rốt lại là đi tìm hạnh phúc, ai cũng thế, bởi hạnh phúc không phải là mâm cỗ được dọn sẵn cho từng người.

Như sắt và nam châm, chúng tôi hút nhau gần như ngay lập tức. Tất nhiên với tuổi mười sáu của tôi, đó là yêu.

…Tôi rơi vào tình yêu như thiên thạch bị rơi vào lỗ đen. Tôi bị tình yêu đó nuốt chửng với một sức mạnh không sao cưỡng lại được.

Suốt một thời gian dài, tôi trượt trên tình yêu như trượt trên vỏ chuối, ngây ngất, mê man, chỉ khi nào té ngã thì đà trượt đó mới dừng lại.

Có cái gì đó làm tôi lạc lối. Nó khiến tôi tin rằng đạo đức là cái con người vẽ ra chứ không phải là cái vẽ ra con người. Nó khiến tôi sẵn sàng nổi loạn, chẳng buồn bận tâm cuộc đời mình rồi sẽ trôi dạt về đâu, những thứ gì sẽ đổ lên cuộc đời mình. Và tôi, thoạt đầu là tin một cách ngây thơ, về sau thì cố tin đó là tình yêu để biện hộ cho hành động của mình. Nhưng yêu kiểu như tôi yêu Phúc thì càng yêu tôi càng hiểu về tình yêu ít hơn.

… Có cái gì đó mù lòa, say đắm, điên rồ, ảo giác, đẫm mê hương trong cuộc tình này.

Trái tim có ngữ pháp riêng của nó và trong hệ thống ngữ pháp rối rắm và đầy tính mờ đục đó, “yêu” là một động từ bất quy tắc.”

Vui lòng đánh giá bài viết
Share.

Comments are closed.