Khi đi xa, bạn sẽ nhớ điều gì nhất về Hà Nội?

0

Cập nhật vào 10/10

Là mùa thu, là những con phố ngập đầy hương hoa sữa, là sự xô bồ ồn ã hay những quán quen… Có lẽ là tất cả.

10 năm trước, Hà Nội đã rộng lượng dang vòng tay của mình đón một kẻ xa lạ từ làng quê nào đó ở miền Trung xa xôi – là cô, cũng như đã đón nhận biết bao người dân tứ xứ khác. Và cô đáp lại sự bao dung đó của Hà Nội bằng cách luôn nói rằng… tôi ghét Hà Nội.

Đúng vậy, với một cô học trò vừa rời khỏi ghế trường trung học ở cái vùng quê nghèo khó yên bình, Hà Nội là một điều gì đó rất đáng sợ mà cô chưa bao giờ gặp phải. Là cảnh xe cộ tắc đường cả mấy tiếng đồng hồ. Là ồn ào, ngột ngạt, chật chội. Là mọi thứ đều đắt đỏ khi mà bố mẹ phải gom góp từng đồng để gửi cho cô. Là những lời cảnh báo “cẩn thận kẻo bị lừa” trên mảnh đất quá xô bồ này. Là những ánh mắt kỳ thị khi cô là “dân Thanh Hóa”…. Tất cả những thứ đó khiến cô thấy rằng Hà Nội thật đáng ghét.

khi-di-xa-ban-se-nho-dieu-gi-nhat-ve-ha-noi-7

Hà Nội…. Va chạm và cãi vã. Chen chúc và cáu kỉnh.

10 năm sau, khi đã có một gia đình, một công việc, một nơi ở…. ở mảnh đất này, cô vẫn không thể nói rằng mình yêu Hà Nội. Làm sao có thể yêu những con đường nghẹn vì người đông. Những dòng sông nghẹn vì rác rưởi. Những ngọn gió nghẹn vì khói bụi. Những ban mai nghẹn trong tiếng còi xe. Bầu trời nghẹn vì những khối nhà cứng nhắc và khô khốc. Va chạm và cãi vã. Chen chúc và cáu kỉnh. Ngồi than thở với bạn bè, cô vẫn nói về ước muỗn ngồi giữa rơm rạ quê nhà. Thế nhưng khi bạn nói nếu thế sao không về quê, cô mới giật mình.

khi-di-xa-ban-se-nho-dieu-gi-nhat-ve-ha-noi-6

Phố Tạ Hiện về đêm.

Nghĩ, thương Hà Nội, thấy Hà Nội sao giống cô vợ dại dột, sống với anh chồng thẳng thừng tôi không yêu cô, nhưng rồi đến bữa cơm, anh ta lại về nhà với vẻ mặt cau có, đói meo, nhưng vợ vẫn mỉm cười dọn lên những món ăn ngon nhất mà cô có. Vừa ăn chồng vừa nói tôi không yêu cô. Ăn no anh chồng vẫn nói tôi không yêu cô. Cô nàng mù quáng chỉ thản nhiên mỉm cười, lo toan nấu nướng cho bữa chiều, bữa tối.

Bằng cách đó, Hà Nội yêu cô. Hà Nội cũng không cần cô đáp lại tình yêu, không cần tìm cách xóa sạch đi quá khứ, bởi cũng chẳng cách nào người ta quên bỏ được thời thơ ấu, mối tình đầu. Của rạ của rơm, của khói đốt đồng, vườn cau, rặng dừa…. Chiều chiều, ai đó cất tiếng gọi trẻ con về ăn cơm, bát đũa khua trong cái mùi thơm quặn của nồi cá rô kho mặn. Xao động đến từng chi tiết nhỏ.

Quê luôn ngọt ngào như vậy. Ngay cả cái nghèo đói ngày xưa cũng êm đềm và giản dị, bởi nó đã thuộc về quá khứ, mà quá khứ thì luôn đẹp bởi nó chẳng bao giờ có thể quay trở lại. Những ngày tháng hồn nhiên nhất, ít toan tính nhất, người ta đã dành cho quê… Thế nên đến khi cô đi khỏi. quê vẫn chưa làm tâm hồn cô tổn thương, hờn giận chút nào. Nên trong cô còn nguyên vùng ký ức ngọt ngào và đằm thắm, mộng mị và êm đềm.

Còn với Hà Nội, yêu cô, đón nhận cô nghĩa là thêm rác, thêm bụi, thêm một chỗ ngồi, thêm một hơi thở… Chật chội hơn, ồn ào hơn, chen chúc hơn và nhiều toan tính hơn. Những ngày Tết, Hà Nội đẹp, thanh thản và nhàn tản nhất, thì cô lại không nhìn thấy, cô đã hớn hở sum vầy với quê. Có phải vì hình bóng quê quá sống động trong trẻo nên cô không thể yêu phố thị? Hay chỉ là cô nói thế chỉ để trốn cái cảm giác tội lỗi vì đã phụ rẫy quê nghèo, đã chạy trốn đến một nơi mà tương lai của cô tốt hơn, tương lai của con cái cô cũng tốt hơn.

khi-di-xa-ban-se-nho-dieu-gi-nhat-ve-ha-noi-5

Hà Nội chiều 30 Tết. 

Có lần, cô đã chán ghét tới mức muốn bỏ Hà Nội mà đi, nhưng rồi lại không nỡ. Và Hà Nội đối đãi với một kẻ từng nghĩ đến chuyện bỏ thành phố này để tới nơi khác sống, kẻ luôn nói rằng “không yêu Hà Nội” vẫn bằng sự tử tế, điềm tĩnh và bao dung đến thế! Cái sự tử tế tới từ làn gió mùa thu dìu dịu, tới từ nụ cười của anh xế vẫn còn ngái ngủ khi đón đưa một vị khách sớm, tới từ tiếng rao “xôi xéo đây” thân thương trong con ngõ nhỏ đang lục đục thức với bình minh.

khi-di-xa-ban-se-nho-dieu-gi-nhat-ve-ha-noi-3

Sấu chín…. 

khi-di-xa-ban-se-nho-dieu-gi-nhat-ve-ha-noi-4

…. và cốm non, những thứ quà phải chờ đến mùa mới được gặp. 

khi-di-xa-ban-se-nho-dieu-gi-nhat-ve-ha-noi-4

Cúc họa mi nở đầy trên những xe bán hàng hoa. 

Thì ra cô đã yêu cái thành phố này từ lúc nào không hay. Yêu tới mức chẳng thể nào rời xa. dù miệng luôn ca thán… Yêu tới mức chỉ đi du lịch đâu đó ít ngày đã quen miệng “nhớ phở bò, bún chả Hà Nội quá”, “muốn được đi xem phim”… Rõ ràng Hà Nội không có cái sự phóng túng như Sài Gòn hay yên bình đến buồn như Đà Lạt, nhưng lại có vô vàn thứ khác khiến những người đã trót va vào nó chẳng khi nào có thể rời xa.

Đó là những đêm đã thèm được nằm chờ gió mùa về trong tiếng mưa; là khi thèm một bát phở bò, bún thang, hay một suất bún chả đúng vị mà có tiền cũng không kiếm được ở một nơi nào khác. Là tiết trời mùa thu Hà Nội lãng đãng quá khiến chẳng ai còn muốn vội. Là sấu chín, cốm non làng Vòng phải chờ đến mùa mới được gặp. Là chiều 30 Tết đường phố vắng hoe, cũng là lúc Hà Nội được sống đúng với cái “tĩnh” vốn có của nó… Cái Hà Nội khiến cô muốn đi ngày xưa giờ lại thành nỗi thèm thuồng bật lên được thành tiếng chỉ bởi những điều bé nhỏ như thế.

khi-di-xa-ban-se-nho-dieu-gi-nhat-ve-ha-noi-8

Trà đá vỉa hè. 

Hà Nội với một cô gái xa quê là như vậy. Còn với bạn, khi xa Hà Nội bạn nhớ điều gì nhất về nơi này?

Vui lòng đánh giá bài viết
Share.

Comments are closed.