Cập nhật vào 16/05
Theo cách hiểu của cá nhân tôi, copywriter là công việc viết quảng cáo. Và khái niệm “viết quảng cáo” thì khá rộng và đa dạng.
Chúng ta nghe nói rất nhiều tới copywriter nhưng thực sự rất ít người hiểu đúng về nó. Thậm chí, với một số người bạn và đồng nghiệp của tôi, học các chuyên ngành liên quan tới truyền thông, làm công việc tiếp thị tìm kiếm, nhưng lại nghĩ copywriter là những người chuyên copy và chỉnh sửa nội dung đã có sẵn. Tôi cho rằng họ đã nhầm lẫn với khái niệm editer (người biên tập).
Theo cách hiểu của cá nhân tôi, copywriter là công việc viết quảng cáo. Và khái niệm “viết quảng cáo” thì khá rộng và đa dạng. Đó có thể là các kịch bản cho một đoạn video quảng cáo trên truyền hình, trên Youtube, một bài PR trên báo chí, một chùm ảnh hoặc một bài viết nhắm đến tìm kiếm trên Google… Với mỗi loại hình quảng cáo sẽ có từng cách triển khai khác nhau cho từng đối tượng người dùng khác nhau.
Copywriter là một ngành nghề kì lạ. Kì lạ vì nó không hề có bất cứ trường lớp chính quy nào dạy. Kì lạ vì copywriter có thể là bất kì ai: một nhân viên ngân hàng, một cậu sinh viên hay kể cả là một người nội trợ… Và theo một số thông tin có đến 7 loại copywriter khác nhau. Tùy thuộc vào chuyên môn và công việc của mỗi người mà họ có thể là “Sale Letter Copywriter” (viết thư chào hàng để bán sản phẩm), “Creative Copywriter” (chủ yếu là sáng tạo slogan), “Digital Copywriter”, “Technical Copywriter”, “Content Copywriter”, “SEO Copywriter” hay “Brand Copywriter”.
Tôi đã đọc ở đâu đó một bài viết khá thú vị về nghề copywriter, bài viết kể lại buổi phỏng vấn cho công việc này của một ứng viên. Trong đó nhà tuyển dụng miêu tả về nghề như sau: “Copywriter là một nghề hết sức thú vị, nhưng cũng không ít trái đắng và cực nhọc. Hôm nay em phải thương bác nông dân vì cánh đồng bị sâu đục phá. Mai thương chị nội trợ không biết chọn loại bột nêm gì để nấu cho chồng một bữa ăn thật ngon. Mốt nữa, thì đứng đường để tìm nguyên liệu cho campaign về “nồi cơm điện”. Ngày khác nữa thì thì mua bao cao su về thổi bong bóng, cắn thử một viên thuốc trị bệnh trĩ thử xem có đắng không rồi tự hỏi tại sao người ta không dùng?”
Như thế có nghĩa rằng người làm nghề copywriter phải vô cùng đa-zi-năng. Thế nhưng trên thực tế mỗi người chỉ có một vài lĩnh vực là thế mạnh. Do đó theo tôi phẩm chất quan trọng nhất đối với họ là sáng tạo và đam mê. Ngoài ra họ phải luôn sẵn sàng tiếp nhận cái mới và có thể đón đầu các xu hướng, Họ cũng là người có khả năng vượt lên vòng an toàn của bản thân, dám trải nghiệm những điều mới mẻ, dám thất bại. Việc có khả năng nắm bắt tâm lý khách hàng cũng là một phẩm chất quan trọng của nghề này.
Rõ ràng copywwriter là một nghề rất kén người, vừa đòi hỏi tinh tế nhạy cảm, vừa cần phải nam tính vừa cần phải nữ tính, vừa phải suy nghĩ logic mà vừa phải mơ mộng tưởng tượng… Những thứ đối lập ấy cần dung hòa trong một con người để giúp khách hàng có được những thông điệp truyền thông thật ấn tượng và mang lại hiệu quả.